chuyển đổi số

Báo cáo - Thống kê ;baocaothongke

Display portlet menu
end portlet menu bar

Thông tin tuyên truyền;thongtintuyentruyen

Display portlet menu
end portlet menu bar

Thông tin địa phương; thongtindiaphuong

Display portlet menu
end portlet menu bar
Chiến lược

NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN VĨNH THẠNH

03/01/2014 02:12
Màu chữ Cỡ chữ

NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN VĨNH THẠNH

NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN VĨNH THẠNH

 

1. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện

          Huyện Vĩnh Thạnh được chia tách địa giới hành chính từ năm 2004, vốn là huyện nông thôn ngoại thành, xa trung tâm thành phố Cần Thơ, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay vẫn còn thấp kém, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp. Thực trạng nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu cho huyện phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng bền vững trên địa bàn huyện, một số đặc điểm chủ yếu của nguồn nhân lực huyện Vĩnh Thạnh cần quan tâm, đó là

(i) Đối với lực lượng lao động toàn địa bàn:

- Về số lượng, toàn huyện có 75.335 lao động trong độ tuổi lao động trong tổng dân số của huyện là 115.330  người (tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm là 1%). Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trên 60%. Cơ cấu sử dụng nguồn lao động đã có sự dịch chuyển tăng cho các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhưng còn chậm. Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 83,3%, công nghiệp và xây dựng chiếm 12,95%, dịch vụ chiếm 3,75%.

- Về chất lượng, nguồn nhân lực của huyện phát triển nhanh về số lượng và từng bước được nâng lên về chất lượng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề còn thấp so với dân số trong độ tuổi lao động. Hiện lực lượng lao động của huyện chủ yếu được đào tạo ngắn hạn, đội ngũ kỹ thuật lành nghề còn thiếu. Lực lượng lao động công nghiệp, nông nghiệp chủ yếu là lao động tại địa phương, chưa qua đào tạo chính quy, chưa học nghề nên chất lượng còn thấp. Nhìn chung, chất lượng lao động chưa đáp ứng theo yêu cầu phát triển của huyện.

(ii) Đối với đội ngũ CBCC phục vụ bộ máy hành chính

Tính đến năm 2013, toàn huyện có 2.059 CBCC-VC (trong tổng số 2.135 biên chế được giao) làm việc tại 12 phòng ban chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp và 11 xã/thị trấn (gồm 196 CB và công chức chuyên môn, chiếm 10,52% CBCC toàn huyện). Tỷ lệ nam nữ trong đội ngũ CBCCVC khá đồng đều ở khối CBCC cấp huyện, tuy nhiên, tỷ lệ nữ ở cấp xã xã và thị trấn thấp, chỉ chiếm 2,31% tổng số CBCC cấp xã. Toàn huyện có 106 nhân sự lãnh đạo cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương, Bí thư, Phó bí thư cấp ủy, Chủ tịch, các Phó chủ tịch HĐND và UBND các xã, thị trấn (cấp huyện còn khuyết chức danh Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT, Phó chánh Thanh tra huyện; cấp xã còn khuyết chức danh phó chủ tịch UBND xã Thạnh An và xã Thạnh Quới). Về số lượng đội ngũ CBCC của huyện thiếu hụt 76 cán bộ so với biên chế được giao.

Về trình độ chuyên môn của CBCC-VC, tỷ lệ CBCC-VC cấp huyện có trình độ từ Đại học trở lên chiếm hơn 50% tổng số (trong đó có 49,33% CBCC có trình độ Đại học, 1,56% CBCC có trình độ Thạc sĩ và 0,05% CBCC có trình độ Tiến sĩ). Đối với CBCC cấp xã, chỉ có 26,02% CBCC có trình độ Đại học, 44,9% CBCC có trình độ Trung cấp và chỉ có 0,51% CBCC có trình độ Thạc sỹ thuộc nhóm công chức cấp huyện luân chuyển.
Về trình độ lý luận chính trị, tỷ lệ CBCC cấp xã có trình độ sơ và trung cấp lý luận chính trị đạt hơn 68%, cao hơn so với CBCC cấp huyện và viên chức sự nghiệp. Trình độ lý luận chính trị là một trong những điều kiện cần cho việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước, vì vậy việc cử CBCCVC đi học các lớp lý luận chính trị cũng là một trong những công cụ hữu ích trong việc quan tâm, khuyến khích, động viên tinh thần, sự phấn đấu của đội ngũ CBCC-VC.

Để góp phần giải quyết các yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện, trong thời gian qua đã có sự nổ lực trong toàn hệ thống chính trị của huyện và đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tích cực và hiệu quả của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện. Tính đến nay nguồn nhân lực của huyện được nâng chất chủ yếu thông qua hệ thống đào tạo với cơ sở vật chất bao gồm 01 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, 01 Trung tâm dạy nghề huyện, 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 11 Trung tâm học tập Cộng đồng, 02 trường Trung học phổ thông, 16 trường mầm non, 25 trường tiểu học và 09 trường trung học cơ sở. Việc đào tạo nghề cho đối tượng lao động nông thôn được huyện tổ chức học tại Trung tâm dạy nghề huyện và Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn.

Đội ngũ giáo viên trên địa bàn có 1.490 người (trong đó khối mầm non, tiểu học và THCS có 1.312 người; khối THPT có 178 người). Khối mầm non, tiểu học và THCS còn thiếu 48 biên chế so với chỉ tiêu được giao.

Thực hiện các chủ trương của các cấp ngành Trung ương và thành phố trong công tác đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH-HĐH. Đặc biệt là thực hiện Đề án theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm đến năm 2020, huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chăm lo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, cụ thể:

- Ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho lực lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tự tìm kiếm việc làm tại huyện hoặc tại các nơi khác có nhu cầu;

- Ưu tiên bố trí công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; được quy hoạch, bố trí làm công tác lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng;

Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp để xem xét tuyển dụng, bố trí việc làm cho học viên được đào tạo nghề sau khi học xong làm việc tại các doanh nghiệp, xí nghiệp tư nhân theo phương châm "tích cực giải quyết việc làm tại chỗ".

2. Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển KT-XH huyện Vĩnh Thạnh trong trung và dài hạn

Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hướng đến hoàn thành các mục tiêu chiến lược dài hạn của thành phố Cần Thơ; huyện đã quán triệt sâu sắc trong Đảng bộ và toàn hệ thống chính trị mục tiêu "phát triển nhân lực là đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo nghề, tạo công ăn, việc làm cho người lao động". Theo đó:

- Dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 18.650 người (trong đó đào tạo ngắn hạn 15.000 người; sơ cấp nghề: 750; trung cấp nghề: 600; trung học chuyên nghiệp 700, Cao đẳng: 600, Đại học: 1.000);

- Đội ngũ CBCC-VC cấp huyện: (i) giai đoạn 2011 đến năm 2015, đào tạo, bồi dưỡng CBCC-VC theo yêu cầu hàng năm, căn cứ nhu cầu đào tạo của địa phương (kể cả đoàn thể cấp huyện và CBCC cấp xã). Số lượng dự kiến là 278 CBCC-VC tham gia đào tạo các các ngành nghề phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ như Luật, Quản lý đất đai, Tài chính, Văn thư,... trong đó đào tạo sau Đại học có 04 người; (ii) giai đoạn từ năm 2016-2020, số lượng CBCC -VC được cử đi đào tạo dự kiến 108 người, đào tạo các ngành nhề theo yêu cầu thực tế của địa phương.

3. Những vấn đề cần quan tâm, khó khăn, thách thức cần tháo gỡ

Để phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện đúng hướng và đạt được các yêu cầu đề ra; một số vấn đề cần quan tâm và các biện pháp tháo gỡ bao gồm 07 vấn đề:

Một là, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn thấp hoặc chưa qua đào tạo; chưa có chính sách thu hút những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật… tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

Hai là, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của ngạch bậc theo tiêu chuẩn quy định, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, hoặc có đào tạo nhưng còn hạn chế, chỉ phục vụ cho nhân sự trước mắt chưa mang tính lâu dài; cán bộ chuyên môn ngành y tế (Bác sỹ, Cử nhân, Bác sỹ chuyên khoa I, II) còn chưa đủ số lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân; (nhất là khi Bệnh viện đa khoa mới hình thành).

Ba là, chưa phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng kịp thời những học sinh có năng khiếu về các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ, thể dục thể thao,... đây là nguồn nhân lực có triển vọng trong tương lai;

Bốn là, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập còn nhiều hạn chế; một số công trình hiện còn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Tiến độ xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia còn chậm; tỷ lệ trường đạt chuẩn ở các bậc học còn thấp;

Năm là, số người có công ăn việc làm ổn định còn thấp hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định; đa số là nông dân sống bằng nghề trồng lúa nên thời gian lao động để tăng thu nhập còn ít; các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương còn ít nên người lao động chưa có điều kiện làm việc;

Sáu là, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề còn thấp so với dân số trong độ tuổi lao động. Cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện rất ít, không thu hút lao động học nghề;

Bảy là,  thông tin về thị trường lao động, tìm việc làm chưa đầy đủ và kịp thời nên việc lựa chọn nghề còn lúng túng.

Trong tình hình thực tế hiện nay, để phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH huyện Vĩnh Thạnh trong trung và dài hạn; huyện Vĩnh Thạnh tập trung các nhóm giải pháp sau:

(i) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực, coi đây là bước đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của huyện. Thông qua việc đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tích cực xây dựng xã hội học tập nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp. Bên cạnh, ngành giáo dục phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh Trung học phổ thông.

(ii) Xây dựng cơ chế quản lý và phát triển nguồn nhân lực từ huyện đến các xã, thị trấn. Hoàn thiện bộ máy tham mưu quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

(iii) Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề, các Trung tâm học tập cộng đồng trong huyện. Tăng cường phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố Cần Thơ tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức “Điểm hẹn việc làm” tại các địa phương để tư vấn, giới thiệu cho người lao động có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, đồng thời liên kết với các công ty giới thiệu xuất khẩu lao động.

(iv) Tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ nhiều phía: Nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội để xây dựng hệ thống trường lớp, đào tạo nghề cho người lao động. Khuyến khích xã hội hóa trong công tác phát triển nguồn nhân lực. Phát triển các ngành nghề có ưu thế của địa phương để tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, thực hiện tốt Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2010 của UBND thành phố Cần Thơ quy định về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ. Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, cần có cơ chế đột phá trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ có cơ hội thăng tiến, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp.

(v) Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động có trình độ chuyên môn đa ngành kỹ thuật cao như: công nghệ thông tin, công nghệ ứng dụng sinh học để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao – Thương mại dịch vụ - Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, gắn phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường sinh thái và phục vụ yêu cầu phát triển bền vững.

Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và những nổ lực trong chỉ đạo điều hành của hệ thống chính quyền, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành các cấp của Trung ương, thành phố và đội ngũ các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp; huyện Vĩnh Thạnh tin tưởng sẽ sớm đạt được các mục tiêu trong công cuộc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cao, ổn định cho người lao động trên địa bàn huyện./.

Bùi Văn Sang

Các tin khác

  • Huyện Vĩnh Thạnh thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013 (03/01/2014)
  • Năm 2016, hoàn thành mở rộng quốc lộ 1 tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ (14/03/2012)
  • Thành phố Cần Thơ phát triển công nghiệp gắn với xuất khẩu (14/03/2012)
  • Sinh hoạt Nữ công Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 (14/03/2012)
  • Dạy nghề miễn phí cho phụ nữ khó khăn (14/03/2012)
  • Cần 126.415 tỉ đồng mở rộng quốc lộ 1 (14/03/2012)
  • Trăn trở con đường từ lúa thành gạo (14/03/2012)
  • Sẽ đầu tư cao tốc Bắc – Nam theo trọng tâm từng đoạn tuyến (14/03/2012)
  • Trang đầu 1 Trang cuối

Thông tin Đảng - Đoàn thể;thongtindangdoanthe

Display portlet menu
end portlet menu bar